Một số điều bạn cần biết về bệnh cao huyết áp (P1)
admin 01/09/2021
Cao huyết áp hay còn được gọi là tăng huyết áp là một loại bệnh lý về tim mạch nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến ở nước ta. Theo báo cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ người mắc huyết áp cao của nước ta ngày càng tăng, và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Bên cạnh đó, cùng với sự tấn công của dịch COVID-19, những người có bệnh nền như cao huyết áp sẽ có nguy cơ bị biến chứng cao hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn người bệnh thường.
Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến giữa năm 2019, khoảng 25% dân số nước ta mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp, gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Vậy hãy cùng Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng VMC Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này.
Tổng quát về cao huyết áp
Huyết áp là áp lực của máu đẩy vào thành mạch máu. Tim bơm máu vào các động mạch (mạch máu) để đưa máu đi khắp cơ thể. Huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp, có nghĩa là áp lực trong động mạch cao hơn mức bình thường.
Tình trạng cao huyết áp thường phát triển trong vài năm. Thông thường, bạn khó có thể nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nếu ở giai đoạn đầu. Nhưng ngay cả khi không có triệu chứng, huyết áp cao cũng có thể gây nên tổn thương mạch máu và các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là não, tim, mắt và thận.
Huyết áp cao không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, huyết áp cao có thể được phát hiện và giải quyết sớm nếu bạn biết được những thông tin cơ bản về bệnh này và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Vậy “Huyết áp cao là bao nhiêu?”. Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số là Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương. Theo hướng dẫn mới cập nhật của Hiệp hội Tim mạch châu Âu – ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:
- Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg;
- Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên;
- Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên;
- Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
- Tiền tăng huyết áp khi: Huyết áp tâm thu > 120 – 139 mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89 mmHg.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.
Xem thêm: Chữa viêm khớp, viêm hô hấp, huyết áp cao với bài thuốc Rượu tỏi
Các triệu chứng của tình trạng cao huyết áp
Hầu hết những người bị huyết áp cao không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi kết quả đo huyết áp đạt mức cao nguy hiểm.
Một số người bị huyết áp cao có thể bị đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhưng những dấu hiệu và triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao đã đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng của tình trạng cao huyết áp mức độ nặng có thể bao gồm:
- đau đầu
- khó thở
- chảy máu cam
- đỏ bừng mặt
- chóng mặt
- đau ngực
- mắt sưng, vỡ mạch máu mắt, mờ mắt
- máu trong nước tiểu
Cách tốt nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ phát triển tình trạng này thì bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này giúp bạn và bác sĩ của bạn nắm được mọi vấn đề có thể xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp
Cao huyết áp được phân chia thành 2 loại: tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
- Tăng huyết áp nguyên phát:
Trường hợp không có nguyên nhân xác định gây ra huyết áp cao thì được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Tình trạng này thường xảy ra đối với hầu hết những người lớn tuổi và có xu hướng phát triển dần trong nhiều năm. Các yếu tố gây nên tình trạng tăng huyết áp nguyên phát có thể do: Di truyền, thay đổi về thể chất (ví dụ như thay đổi trong chức năng thận do lão hóa có thể làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của cơ thể về muối và chất lỏng trong cơ thể. Chính sự thay đổi này có thể làm huyết áp tăng lên), môi trường sống không lành mạnh (ít vận động thể chất, chế độ ăn uống không khoa học gây nên các vấn đề về cân nặng, thừa cân hoặc béo phì dẫn đến tăng huyết áp).
- Tăng huyết áp thứ phát:
Một số người bị huyết áp cao do một bệnh lý có từ trước. Loại cao huyết áp này, được gọi là tăng huyết áp thứ phát, có xu hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với tăng huyết áp nguyên phát. Một số nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm:
- Sử dụng thuốc lá, ma túy: hút thuốc lá ngay lập tức làm tăng huyết áp của bạn tạm thời, đồng thời các hóa chất trong thuốc lá có thể làm hỏng lớp niêm mạc của thành động mạch của bạn. Điều này có thể khiến động mạch của bạn bị thu hẹp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khói thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Lạm dụng rượu bia: uống rượu bia quá nhiều có thể gây hại cho tim, từ đó gây nên các bệnh về tim mạch và huyết áp cao.
- Người bị bệnh thận, bị dị tật tim bẩm sinh, có vấn đề với tuyến giáp
- Người bị khối u nội tiết, khối u tuyến thượng thận, bị khó thở khi ngủ
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không kê đơn và một số loại thuốc theo toa.
- Ăn quá nhiều muối: Khi muối tích tụ, cơ thể cần giữ nước để pha loãng natri. Điều này làm tăng cả lượng chất lỏng xung quanh các tế bào và thể tích máu. Lượng máu tăng lên có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn và áp lực lên mạch máu nhiều hơn. Theo thời gian, áp lực này có thể gây cứng các mạch máu, dẫn đến huyết áp cao, đau tim, suy tim và đột quỵ.
Xem thêm: Bệnh nhân tăng huyết áp có nên tiêm vắc xin Covid-19 không và cần chú ý những gì?
Cao huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể
Theo thời gian, huyết áp cao không được điều trị có thể gây ra bệnh tim và các biến chứng liên quan như đau tim, đột quỵ và suy tim. Khi huyết áp quá cao, các mạch máu có thể bị vỡ đột ngột vô cùng nguy hiểm. Một vài biến chứng của huyết áp cao đối với cơ thể là:
- Mất thị lực: Khi huyết áp tăng quá cao, các mạch máu trong mắt căng và dày lên, thu hẹp hoặc rách dẫn đến mất thị lực.
- Tổn thương thận: Huyết áp cao làm mạch máu trong thận bị suy yếu và thu hẹp. Điều này có thể ngăn cản các cơ quan của thận hoạt động bình thường.
- Đau tim hoặc đột quỵ: Huyết áp cao có thể gây ra cứng và dày động mạch (xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.
- Phình mạch. Huyết áp tăng có thể làm cho mạch máu yếu đi và phình ra, tạo thành chứng phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Suy tim. Để bơm máu chống lại áp suất cao hơn trong mạch, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm cho các bức tường của buồng bơm tim dày lên (phì đại tâm thất trái). Cuối cùng, cơ tim dày có thể gặp khó khăn trong việc bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim.
- Hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này là một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, bao gồm tăng kích thước vòng eo, chất béo trung tính cao, giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), huyết áp cao và mức insulin cao. Những yếu tố này làm cho bạn có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
- Các bệnh về thần kinh và trí tuệ: Huyết áp cao nếu không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi của bạn. Các vấn đề về trí nhớ hoặc hiểu biết xảy ra phổ biến hơn ở những người bị huyết áp cao.
- Chứng mất trí nhớ. Các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến một loại bệnh mất trí nhớ (sa sút trí tuệ do mạch máu). Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu lên não cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người bị huyết áp cao có nguy cơ bị lây nhiễm virus cao hơn người thường. Virus Corona gây hại trực tiếp cho tim, điều này có thể gây nguy hiểm đặc biệt nếu tim bạn đã bị suy yếu do ảnh hưởng của huyết áp cao. Virus có thể gây viêm cơ tim, khiến tim khó bơm máu hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tim, mắc bệnh hô hấp như cúm, bệnh huyết áp cao khi bị lây nhiễm virus Corona có nguy cơ bị đau tim cao hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Bài viết trên đây của VMC đã cung cấp cho bạn một vài thông tin khá chi tiết và dễ hiểu về tình trạng Cao huyết áp, triệu chứng của cao huyết áp. Hiện nay huyết áp cao khá phổ biến ở nước ta và gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể, nhất là thời điểm dịch COVID-19. Chính bởi vậy, để giảm nguy cơ bị cao huyết áp cũng như tìm hiểu về những phương pháp cải thiện bằng Y học cổ truyền, bạn hãy tìm đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi nhé! Liên hệ Hotine: 0966.000.643 để được nghe tư vấn.