10 tác hại của việc không ăn sáng đối với sức khỏe
admin 26/04/2023
Có thể bạn đã nhiều lần nghe rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, các nghiên cứu từ lâu cũng đã chứng minh những tác hại của việc không ăn sáng đối với sức khỏe. Cùng Trung tâm VMC tìm hiểu về chủ đề này để có được những kiến thức hữu ích giúp chăm sóc sức khỏe chủ động bạn nhé!
1. Tác hại của việc không ăn sáng: Tại sao bữa sáng rất quan trọng?
Theo Better Health Channel, bữa sáng giúp bổ sung và cung cấp glucose để tăng mức năng lượng và sự tỉnh táo của cơ thể, đồng thời nó cũng sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết khác tốt cho sức khỏe. Cụ thể:
1.1. Cung cấp năng lượng
Nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể là glucose được phân hủy và hấp thụ từ carbohydrate trong thức ăn. Cơ thể sẽ lưu trữ glucose dưới dạng glycogen, trong thời gian cơ thể nhịn ăn chẳng hạn như giấc ngủ vào buổi tối, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose và giải phóng vào máu để giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với não bộ vì hoạt động của não bộ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào glucose để tạo năng lượng.
Buổi sáng sau khi thức dậy, lượng dự trữ glycogen của cơ thể sẽ ở mức rất thấp. Ăn sáng giúp tăng mức năng lượng của cơ thể và phục hồi mức glycogen sẵn sàng để duy trì quá trình trao đổi chất cả ngày của cơ thể.
>> ĐỌC THÊM: Tại sao sáng ngủ dậy mặt nhiều dầu?
1.2. Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thiết yếu
Thực phẩm được dùng cho bữa sáng thường rất giàu chất dinh dưỡng quan trọng như folate, canxi, sắt, vitamin B và chất xơ. Chất dinh dưỡng mà bữa sáng cung cấp chiếm phần đáng kể trong tổng lượng chất dinh dưỡng mà cơ thể cần trong ngày. Trên thực tế, những người ăn sáng có nhiều khả năng đáp ứng lượng vitamin và khoáng chất được khuyến nghị hàng ngày hơn so với những người không ăn sáng.
1.3. Giúp tăng cường trí lực cho hoạt động cả ngày dài
Những ngày không ăn sáng, bạn có thể sẽ thấy cơ thể hơi uể oải và khó tập trung vào công việc hàng ngày. Hiện tượng này là do não chưa nhận đủ năng lượng (glucose) cần thiết để hoạt động. Trẻ em và thanh thiếu niên thường xuyên ăn sáng có xu hướng học tập tốt hơn so với những trẻ bỏ bữa sáng. Đồng thời mức độ kết nối với giáo viên và những người xung quanh cũng cao hơn, từ đó sẽ có tác động tích cực đến kết quả học tập và sức khỏe.
>> ĐỌC THÊM: Sáng sớm ngủ dậy bị đắng miệng?
1.4. Bữa sáng giúp kiểm soát cân nặng
Một số nghiên cứu đã chứng minh những người thường xuyên ăn sáng ít có khả năng bị thừa cân hoặc béo phì hơn so với những người thường xuyên bỏ bữa. Người ta cho rằng ăn sáng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng bởi các nguyên nhân:
Ăn sáng giúp giảm việc biến đổi lượng đường trong máu từ đó giúp bạn kiểm soát sự thèm ăn.
Sau một giấc ngủ dài, bữa sáng sẽ giúp bạn no trước khi cơ thể thực sự đói, từ đó hạn chế tình trạng ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo hoặc ăn vặt giữa buổi bằng những thực phẩm có nhiều năng lượng, chất béo, thực phẩm nhiều đường hoặc muối.
2. 10 tác hại của việc không ăn sáng đối với sức khỏe
Qua các thông tin tổng hợp từ American Pharma Remedies, Healthwire và Love Earth, những tác hại của việc không ăn sáng đối với sức khỏe thường bao gồm:
2.1. Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
Tác hại đầu tiên của việc thường xuyên nhịn ăn sáng là làm tăng khả năng mắc chứng tăng huyết áp. Nghiên cứu cho thấy khoảng gần 27% người bỏ bữa sáng dễ bị đau tim hơn so với những người ăn sáng đều đặn. Điều này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch, phát triển các vấn đề sức khỏe tim mạch mãn tính cũng như đột quỵ và tăng lượng đường trong máu,…
>> ĐỌC THÊM: Top 7 loại trái cây tốt cho tim mạch bạn nhất định phải biết
2.2. Ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và mức năng lượng tổng thể
Theo Physiological Behavior, việc bỏ bữa sáng sẽ có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và năng lượng tổng thể của bạn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người hoàn toàn nhịn ăn sáng có mức độ mệt mỏi cao và khả năng ghi nhớ rất kém. Trong khi đó, ăn sáng sẽ giúp cải thiện chức năng nhận thức liên quan đến các vấn đề trí nhớ và giúp tâm trạng ổn định hơn trong ngày.
2.3. Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2
Những phụ nữ thường xuyên nhịn ăn sáng vì bận rộn hoặc các nguyên nhân khác thường dễ mắc đái tháo đường type 2 hơn. Việc không ăn sáng trung bình từ 0 đến 6 lần một tuần có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn so với những phụ nữ ăn sáng đầy đủ.
Theo Chuyên gia Dinh dưỡng lâm sàng Kristi King, thực tế những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 và nguy cơ béo phì cao hơn do kháng insulin và sự thay đổi hormone.
>> ĐỌC THÊM: Tiểu đường tuýp 2 là nặng hay nhẹ?
2.4. Kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều là vấn đề phổ biến mà hầu hết phụ nữ gặp phải ngày nay. Nghiên cứu cho thấy vấn đề sức khỏe này cũng đang rất phổ biến ở những sinh viên đại học thường xuyên bỏ bữa sáng. Kinh nguyệt không đều có thể gồm cả đau bụng kinh hoặc liên tục bị táo bón.
2.5. Ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng giúp tăng cường trao đổi chất hàng ngày vì đây là bữa ăn đầu tiên trong ngày. Cung cấp đủ năng lượng vào buổi sáng sẽ giúp tăng mức năng lượng của bạn trong suốt cả ngày để thực hiện các hoạt động thể chất và trí óc khác. Việc thường xuyên bỏ qua bữa sáng sẽ làm cạn kiệt năng lượng của cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể.
>> ĐỌC THÊM: Gợi ý bữa sáng cho người mỡ máu cao
2.6. Tác hại của việc không ăn sáng: Dễ gây tăng cân
Thực tế cũng có nhiều người thường bỏ bữa sáng để giảm cân. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chứng minh rằng, bỏ bữa sáng sẽ làm tăng khả năng tăng cân hơn so với bình thường và mục đích giảm cân của bạn sẽ bị tác dụng ngược.
Bỏ bữa sáng làm tăng cảm giác thèm chất béo cũng như các thực phẩm chứa đường. Ngoài ra, cảm giác đói khiến bạn sẽ có xu hướng ăn vặt nhiều hơn trong ngày, từ đó lượng thức ăn nạp vào bất giác sẽ trở nên nhiều hơn và có khả năng vượt quá mức calo khuyến nghị hàng ngày.
>> KHÓA HỌC: Các bài tập giảm mỡ tại văn phòng chỉ 30 phút mỗi ngày
2.7. Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu
Bỏ bữa sáng hoặc các bữa ăn chính làm giảm lượng đường của cơ thể, từ đó thúc đẩy giải phóng các hormone để bù đắp cho lượng đường bị thiếu hụt này. Việc này sẽ làm tăng huyết áp, gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu. Cường độ đau khi bỏ bữa sáng sẽ có thể cao hơn so với việc bỏ bữa trưa hoặc tối.
2.8. Tác hại của việc không ăn sáng: Dẫn đến rụng tóc
Các thực phẩm có hàm lượng protein thấp sẽ ảnh hưởng đến chất sừng từ đó gây ra tình trạng rụng tóc cũng như ngăn cản sự phát triển và mọc tóc mới. Tuy nhiên, một bữa sáng giàu protein sẽ giúp bạn tránh khỏi những vấn đề này vì nó đóng vai trò chính thúc đẩy sự phát triển của nang tóc.
2.9. Khả năng miễn dịch suy giảm
Một tác hại của việc không ăn sáng khác chính là suy giảm hệ miễn dịch. Bỏ bữa sáng có thể phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể. Bởi vì dinh dưỡng phù hợp giúp duy trì một lượng tế bào miễn dịch khỏe mạnh có khả năng chống lại các yếu tố tổn hại sức khoẻ và cải thiện chức năng của tế bào lympho T.
>> ĐỌC THÊM: Bạn có biết, hệ miễn dịch là gì, bao gồm những gì chưa?
2.10. Tăng mức độ axit trong cơ thể
Ngoài các tác hại của việc không ăn sáng đã đề cập ở trên thì việc thường xuyên bỏ bữa sáng còn có thể dẫn đến tăng lượng axit trong cơ thể. Khi cơ thể cảm thấy đói và muốn ăn thì dạ dày sẽ tự động tiết dịch vị chứa axit vào dạ dày để tiêu hóa. Nếu dạ dày rỗng khiến lượng axit này không có thức ăn để xử lý thì nó sẽ dâng lên thành của những cơ quan lân cận như dạ dày, thực quản và tim, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.
3. Gợi ý bữa sáng đơn giản, đủ dinh dưỡng cho người bận rộn
Theo Better Health Channel, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bận rộn sẽ hạn chế bỏ bữa hơn, khi bữa sáng của họ dễ chế biến và có sẵn ở nhà. Một số gợi ý về bữa ăn đơn giản, nhanh chóng nhưng đầy đủ dinh dưỡng cho bữa sáng bao gồm:
- Cháo từ yến mạch đã tách vỏ: Loại yến mạch này giàu dưỡng chất nhưng dễ chín và chế biến nhanh nên sẽ thích hợp với nhóm người bận rộn không thể dành qua nhiều thời gian để chế biến bữa sáng.
- Ngũ cốc nguyên hạt (như ngũ cốc nguyên cám hoặc bánh quy làm từ lúa mì nguyên cám) kết hợp với sữa, sữa chua tự nhiên và trái cây tươi.
- Trái cây tươi và các loại hạt thô giàu dưỡng chất.
- Sandwich đơn giản với bánh mì nướng kẹp trứng, cà chua, nấm, rau xanh, cá hồi, pho mát, bơ,…
- Sinh tố làm từ trái cây hoặc rau tươi, sữa chua tự nhiên và sữa tươi.
- Sữa chua thêm một ít trái cây tươi để tăng thêm vị ngọt và một số loại hạt thô để tạo độ giòn.
Tổng kết
Hy vọng rằng những thông tin được cung cấp từ bài viết trên đã giúp bạn biết được tầm quan trọng của bữa sáng cũng như những tác hại của việc không ăn sáng. Từ đó có thể xây dựng cho bản thân và gia đình chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý giúp chăm sóc sức khỏe chủ động nhé!
Nguồn tham khảo:
- Better Health Channel / Breakfast
- American Pharma Remedies / 10 HARMFUL EFFECTS OF SKIPPING BREAKFAST
- Healthwire / 11 Potential Side Effects of Skipping Breakfast
- Love Earth /10 Harmful Effects On Skipping Breakfast