Những điều cần biết về chứng rối loạn phát triển lan tỏa
admin 30/01/2023
Theo ước tính của CDC (Hoa Kỳ), tỷ lệ trẻ mắc các chứng rối loạn phát triển lan tỏa trong những năm gần đây đang càng tăng, dẫn đến nhiều bậc phụ huynh ngày càng quan tâm hơn về sự phát triển tự nhiên của con trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Cùng Trung tâm VMC tìm hiểu những điều cần biết về hội chứng trên, để có thể cập nhật thêm những kiến thức bổ ích giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện của con nhé!
1. Rối loạn phát triển lan tỏa là gì?
Theo Viện Y tế Quốc gia Anh (NIH), Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorder – PDD) là một nhóm các rối loạn được đặc trưng bởi sự chậm phát triển các kỹ năng giao tiếp và xã hội hóa. Tuổi khởi phát điển hình của PDD là trước 3 tuổi. Nhưng cha mẹ vẫn có thể ghi nhận các triệu chứng của chứng PDD ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Thuật ngữ PDD và Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) thường được sử dụng thay thế cho nhau và thay đổi tùy theo ngữ cảnh sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần tái bản lần thứ 5 đã loại bỏ PDD và dùng thuật ngữ ASD để thay thế PDD trong các chẩn đoán, cũng như các thang đo hội chứng rối loạn phát triển này.
2. Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ
Theo Medical News Today, nguyên nhân gây rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ đến từ sự kết hợp giữa gen di truyền và các tác động từ môi trường trong thời gian dài, do các nhà nghiên cứu đã xác định được một số gen nhất định liên quan đến ASD ở trẻ. Đồng thời, những thay đổi trong cách não bộ phát triển ở giai đoạn đầu có thể sẽ gây ra rối loạn phát triển ở trẻ.
Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ gây ra chứng ASD ở trẻ bao gồm:
- Có anh chị em mắc ASD
- Có cha mẹ lớn tuổi
- Một số hội chứng di truyền chẳng hạn như hội chứng Down hoặc hội chứng gãy nhiễm sắc thể X (Fragile X syndrome)
- Trẻ sinh thiếu tháng, quá nhẹ cân khi sinh.
3. Phân loại các dạng ASD
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần đã phân loại các dạng ASD bao gồm:
3.1. Chứng tự kỷ
Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển lan tỏa, được đặc trưng bởi sự suy giảm kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội, đồng thời có sự hạn chế trong phạm vi hoạt động và sở thích. Đây là dạng ASD đặc trưng nhất và được nghiên cứu kỹ nhất.
Trẻ tự kỷ có thể có trí thông minh trung bình hoặc trên trung bình. Tuy nhiên một số ít người tự kỷ bị khuyết tật học tập. Điều này có nghĩa là trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân và cần được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày.
>> XEM THÊM: Trẻ tự kỷ thường có hành vi nào?
3.2. Hội chứng Asperger
Thuộc về nhóm các tình trạng phát triển thần kinh rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Trước đây, các chuyên gia nhận thấy hội chứng Asperger thường rơi vào giai đoạn cuối, nhẹ của phổ tự kỷ, hiện nay nó được gọi là ASD cấp độ 1.
Trẻ mắc hội chứng Asperger thường có trí thông minh vượt xa người bình thường. Tuy nhiên, trẻ lại gặp phải nhiều rắc rối hơn với các kỹ năng xã hội và thường có xu hướng tập trung một cách ám ảnh vào một chủ đề, hoặc thực hiện lặp đi lặp lại các hành vi giống nhau.
3.3. Rối loạn phân ly thời thơ ấu (CDD)
Rối loạn phân ly thời thơ ấu hay còn được gọi là Hội chứng Heller, là một tình trạng hiếm gặp thường được đặc trưng bởi sự chậm phát triển về ngôn ngữ, chức năng xã hội và kỹ năng vận động ở trẻ lớn hơn 3 tuổi. Đây là một chứng rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ.
>> XEM THÊM: Trẻ tự kỷ có nói được không?
3.4. Hội chứng Rett
Đây là một dạng rối loạn phát triển và di truyền thần kinh hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến cách thức phát triển của não bộ. Các rối loạn này gây ra sự mất dần các kỹ năng vận động và ngôn ngữ và chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ.
Hầu hết trẻ sơ sinh mắc hội chứng Rett thường phát triển bình thường trong sáu tháng đầu đời. Tuy nhiên sau đó, trẻ dần mất đi các khả năng mà trẻ đã có trước đây như khả năng bò, đi, giao tiếp hoặc sử dụng tay.
Theo thời gian, trẻ mắc hội chứng Rett ngày càng gặp nhiều vấn đề trong việc sử dụng các cơ kiểm soát chuyển động, phối hợp và giao tiếp. Hội chứng Rett cũng có thể gây co giật và thiểu năng trí tuệ.
3.5. Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu (PDD-NOS)
Theo Tổ chức Autism Speaks, PDD-NOS là chẩn đoán mà các chuyên gia sử dụng cho những người có một số (không phải tất cả) các đặc điểm của chứng tự kỷ hoặc những người mắc các triệu chứng tự kỷ tương đối nhẹ. PDD-NOS được đặc trưng bởi sự phát triển chậm các kỹ năng giao tiếp và xã hội. Cha mẹ có thể nhận thấy các triệu chứng hành vi liên quan ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
>> XEM THÊM: Sàng lọc và phát hiện sớm trẻ rối loạn phát triển
4. Cách nhận biết các triệu chứng của rối loạn phát triển lan tỏa
Các triệu chứng của ASD khá đa dạng nhưng thường xuất hiện lần đầu khi trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ mắc chứng ASD có sự khác biệt lớn về khả năng, trí thông minh và hành vi so với các trẻ khác.
Theo Medical News Today, chúng ta có thể nhận biết ASD qua các triệu chứng:
- Khó khăn trong việc nghe hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Một số trẻ sẽ gặp phải tình trạng chậm nói hoặc hoàn toàn không biết nói. Một số khác chỉ có thể nói được một vài cụm từ nhất định, phạm vi các cuộc hội thoại với trẻ sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên vẫn có một số trẻ phát triển ngôn ngữ tương đối bình thường.
- Kỹ năng xã hội hạn chế: Khó khăn trong việc giao tiếp và giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống.
- Phản ứng bất thường với các hoạt động liên quan đến giác quan như nếm, nghe, ngửi hoặc cảm nhận các thay đổi từ môi trường, chẳng hạn như tiếng ồn lớn và ánh sáng.
- Có các cử chỉ bất thường khi chơi đồ chơi hoặc tiếp xúc các đồ vật xung quanh
- Thường lặp đi lặp lại một hành vi hoặc chuyển động cơ thể nhất định.
- Gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của bản thân thông qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ,…
>> XEM THÊM: Làm sao để nhận biết trẻ bị rối loạn phát triển?
5. Biện pháp chẩn đoán và cải thiện chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyến cáo rằng tất cả trẻ em từ 18–24 tháng tuổi nên được khám sàng lọc ASD để có thể chẩn đoán, phát hiện sớm và đưa ra các biện pháp thích hợp đối với tình trạng của từng trẻ.
Các nguồn để đánh giá chẩn đoán ASD có thể bao gồm:
- Tiền sử thai kỳ của người mẹ
- Đánh giá các mốc phát triển và phản ứng giác quan của trẻ
- Tiền sử bệnh của trẻ bao gồm cả các trường hợp nhiễm trùng tai hoặc co giật
- Tiền sử gia đình bị rối loạn phát triển, rối loạn di truyền hoặc chuyển hóa
- Đánh giá chức năng nhận thức và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ
- Thực hiện bài kiểm tra quan sát thông qua thang đánh giá cụ thể hoặc phỏng vấn trực tiếp để xác định ASD.
Như với tất cả các dạng rối loạn phát triển lan tỏa, việc chẩn đoán, can thiệp sớm và kịp thời bằng các chương trình giáo dục đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả của những người mắc ASD. Giúp họ đạt được sự độc lập và chất lượng cuộc sống cao ở tuổi trưởng thành.
>> XEM THÊM: Giáo dục đặc biệt là gì? Vì sao giáo dục đặc biệt lại quan trọng
Nguồn tham khảo
- Viện Y tế Quốc gia Anh (NIH) / Pervasive Developmental Disorders
- Medical News Today / What is pervasive developmental disorder?
- Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM-5-TR)
- Autism Speaks / Pervasive Developmental Disorder – Not Otherwise Specified (PDD-NOS)