Mẹo an toàn và hiệu quả giúp đánh bay các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân
admin 02/02/2023
Các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân luôn là mối lo ngại của nhiều người khi tiết trời vào xuân. Bởi nền nhiệt thay đổi nhanh, độ ẩm cao và phấn hoa phân bố nhiều trong không khí vào mùa xuân là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát sinh các vấn đề sức khỏe về đường hô hấp. Cùng Trung tâm VMC tìm hiểu về cách phòng ngừa và mẹo khắc phục vấn đề sức khỏe trên để giữ hệ hô hấp của cả gia đình luôn khỏe mạnh nhé!
1. Vì sao các bệnh đường hô hấp thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân?
Theo các chuyên gia của MDLinx, mùa xuân là mùa cao điểm thứ hai trong năm của chứng cảm lạnh và làm gia tăng các triệu chứng dị ứng theo mùa.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự dao động của áp suất khí quyển, nhiệt độ và gió trong thời điểm giao mùa có thể gây kích ứng đường hô hấp. Đồng thời khả năng chống lại những tác nhân gây hại của hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm, do đó làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, mùa xuân là mùa cao điểm của lễ hội, du lịch, hoạt động ngoài trời và các buổi tụ họp đông người. Đây chính là yếu tố thuận lợi để các loại vi khuẩn và virus hô hấp sinh sôi, lây truyền rộng rãi trong cộng đồng.
>> ĐỌC THÊM: Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ người mắc viêm đường hô hấp như thế nào?
2. Các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân thường gặp là gì?
2.1. Dị ứng đường hô hấp
Theo Teladoc Health, mỗi năm có khoảng 50 triệu người Mỹ bị dị ứng theo mùa. Có thể nói dị ứng là một trong các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân phổ biến nhất hiện nay.
Lý do khiến các đợt bùng phát dị ứng tăng đột biến vào mùa xuân là vì sự sinh sôi mạnh của cây cỏ, dẫn đến việc tăng cao lượng phấn hoa trong không khí. Phấn hoa là loại kháng nguyên rất phổ biến, khi chúng tiếp xúc và bay vào đường hô hấp có thể dễ dàng gây ra các triệu chứng dị ứng khó chịu.
Theo các chuyên gia của MDLinx, những cơn mưa rào mùa xuân có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm mốc ở cả trong nhà và ngoài trời. Mặc dù không phải tất cả các loài nấm mốc đều gây dị ứng nhưng có thể kể đến những thủ phạm phổ biến nhất gây dị ứng bao gồm: Alternaria, Aspergillus, Cladosporium và Penicillium.
Các triệu chứng của dị ứng đường hô hấp thường bao gồm:
- Sưng và tăng sản xuất dịch nhầy trong mũi
- Đỏ, chảy nước mắt, nóng rát và ngứa ở vùng mắt
- Sưng, thở khò khè và xuất hiện chất nhầy trong phổi
- Ngứa mũi, hắt xì từng cơn hoặc liên tục
- Ho có đờm hoặc không đờm
- Ngứa họng dẫn đến ho từng cơn và có thể đau rát họng nếu ho liên tục.
2.2. Hen suyễn
Hen phế quản hay hen suyễn là tình trạng hô hấp mãn tính với các triệu chứng đặc trưng của cơn hen bao gồm: Ho, khó thở, nặng ngực và khò khè.
Hệ hô hấp của người bị hen phế quản hoặc những người có thể chất dễ dị ứng rất nhạy cảm, có thể khởi phát cơn hen ngay khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Thêm vào đó, các tác nhân gây khởi phát cơn hen như phấn hoa, nấm mốc, nhiệt độ thay đổi, phân bón và thuốc chống côn trùng có rất nhiều ngoài không khí khi tiết trời vào xuân. Do đó không khó để lý giải vì sao các cơn hen thường có tần suất khởi phát dày đặc hơn vào mùa xuân.
>> ĐỌC THÊM: Cảm giác nghẹn cổ họng nhưng ăn uống bình thường?
2.3. Các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân: Cảm lạnh do Rhinovirus
Mùa xuân là thời tiết lý tưởng để Rhinovirus phát triển và lây truyền trong cộng đồng. Theo Disease Outbreak Control Division Hawaii, Rhinovirus gây ra khoảng 50% các loại cảm lạnh thông thường với những triệu chứng bao gồm đau họng, sổ mũi, ho, hắt hơi, chảy nước mắt, nhức đầu và đau nhức cơ thể.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị nhiễm virus có thể xuất hiện các triệu chứng phức tạp hơn như sốt và viêm tai giữa. Trẻ sơ sinh với thể chất yếu ớt và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện có thể mắc các triệu chứng nặng hơn như viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Ngoài ra Rhinoviruses còn có thể gây ra các cơn hen suyễn.
Rhinovirus lây lan trong không khí bằng cách ho và hắt hơi, tiếp xúc gần gũi hoặc chạm trực tiếp vào các bề mặt và đồ vật bị nhiễm virus.
Virus có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều giờ, do đó để phòng ngừa cảm lạnh do Rhinovirus, giảm nguy cơ lây lan và nhiễm virus, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
- Tránh chạm tay chưa rửa lên vùng mặt, mắt, mũi, miệng
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi (ho vào khăn giấy hoặc tay áo sơ mi trên)
- Khử trùng các đồ vật và bề mặt tiếp xúc thường xuyên.
2.4. Cúm
Không khí với độ ẩm cao và môi trường ẩm ướt vào mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển của virus cúm. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
- Ho, viêm họng
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Nhức đầu, mệt mỏi, đau các cơ hoặc khắp cơ thể
- Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy (thường phổ biến ở trẻ em)
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), virus cúm rất dễ lây từ người sang người, đặc biệt là trong 5 ngày đầu tiên. Virus có thể sống trên các bề mặt trong vòng 24 giờ và lây truyền qua đường hô hấp thông qua ho và hắt hơi. Người bị cúm cần nghỉ ngơi tốt, ngủ đủ giấc, giữ ấm và bổ sung nước đầy đủ để tránh mất nước.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm cúm:
- Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi
- Vứt khăn giấy đã qua sử dụng càng nhanh càng tốt
- Ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác nếu bị sốt và có các triệu chứng nghi ngờ cúm.
>> ĐỌC THÊM: Giảm cảm cúm đơn giản mà hiệu quả từ nguyên liệu quen thuộc
2.5. Các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân: Viêm họng cấp tính
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), vi khuẩn Streptococcus β-tan huyết nhóm A (GAS – liên cầu khuẩn nhóm A) là nhóm vi khuẩn phổ biến và quan trọng nhất gây ra viêm họng cấp tính. Viêm họng GAS chủ yếu xảy ra trên trẻ em từ 5 đến 15 tuổi và ở vùng khí hậu ôn đới, tỷ lệ mắc cao nhất vào mùa đông và đầu mùa xuân.
Theo CDC, viêm họng cấp tính do GAS thường xuất hiện các triệu chứng như đau họng đột ngột, đau khi nuốt và sốt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nhức đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, viêm họng GAS thường không bị ho, chảy nước mũi, khàn giọng, loét miệng hoặc viêm kết mạc.
Liên cầu khuẩn nhóm A gây viêm họng GAS thường lây trực tiếp từ người sang người thông qua giọt bắn hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết như nước bọt, nước mũi, dịch tiết vết thương của người mang vi khuẩn. Do đó cần rửa tay thường xuyên và thực hiện các biện pháp thích hợp để phòng ngừa viêm họng cấp tính do GAS.
>> ĐỌC THÊM: Bấm huyệt tăng cường hệ miễn dịch: giải pháp bảo vệ sức khỏe hữu hiệu
3. Biện pháp phòng ngừa và khắc phục các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân
Sự chuyển biến của thời tiết khí hậu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là yếu tố bất biến không thể thay đổi được. Tuy nhiên bằng cách chăm sóc sức khỏe chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống thì chúng ta vẫn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
- Theo Elite Medical Center và Carolina Pharmacy, các biện pháp có thể thực hiện nhằm phòng ngừa và khắc phục các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân bao gồm:
- Khử trùng, lau sạch các bề mặt thường xuyên sử dụng bằng khăn lau sạch
- Tránh chạm vào mặt, mũi, mắt và miệng. Đây là cách nhanh nhất phòng ngừa các vấn đề về đường hô hấp, kể cả virus corona.
- Dùng nước muối dạng xịt để rửa mũi, giúp loại bỏ phấn hoa và vi khuẩn trong đường mũi
- Giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh bằng cách tập thể dục, ngủ đủ giấc và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của hệ thống miễn dịch.
- Tiêm phòng cúm
- Theo dõi số lượng phấn hoa và nấm mốc thường có trong các bản tin thời tiết trên TV trong mùa dị ứng
- Đóng cửa sổ và cửa ra vào nhà trong mùa dị ứng
- Hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời vào buổi tối mùa xuân và mùa hè vì trong mùa phấn hoa của cây cỏ, nồng độ phấn hoa cao nhất vào buổi tối
- Đi tắm, gội đầu và thay quần áo ngay sau khi làm việc hoặc hoạt động ngoài trời.
Kết luận
Mùa xuân mang đến tất cả những điều tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng, hoa nở, cây xanh và cả thời tiết dễ chịu. Tuy nhiên đây cũng là mùa dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe khó chịu về đường hô hấp. Hy vọng rằng bài viết về các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân đã cung cấp đủ các thông tin cần thiết và hữu ích trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe hô hấp của cả gia đình.
Nguồn tham khảo:
- MDLinx / Spring is in the air, and so are these common springtime illnesses
- Teladoc Health / Spring sicknesses
- Disease Outbreak Control Division Hawaii / Rhinovirus (Common Cold)
- Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) / Flu Symptoms & Complications
- Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) / Flu
- Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) / Pharyngitis
- CDC Hoa Kỳ / Pharyngitis (Strep Throat)
- Elite Medical Center / COMMON SPRINGTIME ILLNESSES
- Carolina Pharmacy / Common Spring Illnesses and How to Avoid Them