Chế độ ăn cho người đau dạ dày giúp tiêu hóa dễ dàng
admin 05/05/2023
Đau dạ dày là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến hàng đầu trong xã hội hiện nay. Chính vì thế, làm thế nào để xây dựng một chế độ ăn cho người đau dạ dày là vấn đề luôn được rất nhiều người quan tâm. Cùng Trung tâm VMC tìm hiểu về chủ đề trên để tìm ra được chế độ ăn thích hợp giúp chăm sóc sức khỏe chủ động bạn nhé!
1. Chế độ ăn cho người đau dạ dày: Nhóm thực phẩm nên tránh
Theo các thông tin tổng hợp từ Medical News TodayMedical News Today, Health và Nebraska Medicine, những thực phẩm mà người bị đau dạ dày nên tránh sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm:
1.1. Trái cây chứa nhiều acid
Người bị đau dạ dày nên tránh ăn các loại trái cây chứa nhiều acid như cam, quýt, bưởi, cóc, xoài,… vì hàm lượng acid cao trong các loại trái cây này có thể gây tổn thương, tác động tiêu cực đến niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng thêm chứng loét dạ dày sẵn có.
1.2. Đồ ăn cay
Các thành phần có trong ớt, hạt tiêu như capsaicin và piperine có thể gây kích ứng lên niêm mạc miệng, niêm mạc dạ dày. Chính vì thế ăn quá nhiều đồ cay có thể khiến dạ dày khó chịu do thức ăn làm trầm trọng hơn những tổn thương hoặc vết loét sẵn có trong dạ dày. Điều này có thể dẫn đến đau dạ dày sau ăn, táo bón hoặc tiêu chảy.
1.3. Thực phẩm nhiều dầu mỡ
Những người đang bị nôn mửa hoặc tiêu chảy do đau dạ dày nên tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và chất béo. Đây là những thực phẩm khó tiêu hóa và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó chịu ở dạ dày.
Một số thực phẩm nhiều dầu mỡ nên tránh bao gồm: đồ ăn nhanh, thịt mỡ, pho mát nhiều chất béo (kể cả pho mát kem), sữa nguyên kem hoặc sữa có 2% chất béo, kem, thực phẩm có thêm bơ, bơ thực vật hoặc dầu,…
>> ĐỌC THÊM: 7 vấn đề về sức khỏe dạ dày có thể bạn chưa biết
1.4. Thức ăn và đồ uống nhiều đường
Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường có thể dẫn đến hiện tượng dạ dày bị làm rỗng nhanh chóng hay còn gọi là hội chứng Dumping. Hội chứng này có thể gây ra tiêu chảy toàn nước đồng thời lượng đường trong máu có thể hạ thấp trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn các thực phẩm nhiều đường.
Một số thực phẩm và đồ uống nhiều đường nên tránh bao gồm: trái cây sấy khô, nước xốt nhiều gia vị, bánh quy, bánh ngọt, kem, chocolate, nước ngọt,…
Ngoài ra, nước ngọt còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược acid dạ dày do chứa hàm lượng caffein và cacbonat.
>> ĐỌC THÊM: Dạ dày khó chịu buồn nôn do đâu?
2. Chế độ ăn cho người đau dạ dày: Nhóm thực phẩm có ích cho dạ dày
Theo các thông tin tổng hợp từ Medical News Today và Women’s Health, những thực phẩm có ích cho dạ dày được khuyến khích bổ sung thường xuyên trong chế độ ăn cho người đau dạ dày, giúp giảm các triệu chứng khó chịu và tiêu hóa nhẹ nhàng hơn bao gồm:
2.1. Chế độ ăn cho người đau dạ dày: Chuối
Các triệu chứng của đau dạ dày như buồn nôn và nôn có thể khiến bạn mất nước và các chất điện giải mà cơ thể cần để duy trì chức năng sinh lý bình thường.
Chuối rất giàu kali, một trong những chất điện giải cần thiết quan trọng nhất của cơ thể. Chuối dễ nhai và cũng dễ tiêu hóa, ít chất béo do vậy đây là thực phẩm rất tốt cho những người bị đau dạ dày.
2.2. Cơm trắng
>> ĐỌC THÊM: 5 cách giảm đau dạ dày ban đêm giúp ngủ lại nhanh chóng
Khi dạ dày của bạn khó chịu thì các loại ngũ cốc tinh chế như gạo trắng là lựa chọn tốt hơn so với các dạng ngũ cốc nguyên hạt vì chúng dễ tiêu hóa và có thể giúp phân cứng lại, giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy.
Mặc dù gạo lứt hoặc gạo đen rất tốt cho sức khỏe và được khuyên dùng khi tình trạng sức khỏe bình thường nhưng chúng lại khó tiêu hóa hơn gạo trắng, đặc biệt là khi bị đau bụng, đau dạ dày.
2.3. Nước dùng – nước hầm xương
Các loại nước dùng và nước hầm xương chứa nhiều chất điện giải như natri, kali và canxi. Nước dùng có thể giúp bổ sung chất lỏng, khoáng chất và chất điện giải khi bạn bị nôn hoặc tiêu chảy do tình trạng viêm dạ dày. Thêm vào đó, collagen trong nước hầm xương có thể giúp chữa lành niêm mạc ruột, axit amin glycine giúp hỗ trợ hàng rào ruột khỏe mạnh bằng cách bảo vệ các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa.
2.4. Chế độ ăn cho người đau dạ dày: Gừng
Các sản phẩm từ gừng như trà gừng và các chất bổ sung gừng cô đặc đôi khi được sử dụng để kiểm soát chứng buồn nôn khi mang thai, hóa trị và sau phẫu thuật.
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào liên quan đến việc sử dụng gừng đối với chứng đau dạ dày do vi rút hoặc ngộ độc thực phẩm, nhưng thực tế lâm sàng cho thấy, một số sản phẩm từ gừng như trà gừng, có thể giúp bù nước và đồng thời còn giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu như buồn nôn và nôn khi bị viêm dạ dày.
Bạn có thể thử thêm gừng tươi băm nhỏ hoặc cắt lát vào trà và nước lọc, hoặc sử dụng gừng băm nhỏ để làm đá viên rồi dùng trực tiếp để có thể giúp chống lại cảm giác buồn nôn và hỗ trợ giải quyết cơn đau dạ dày.
Ngoài ra các nghiên cứu cũng đã chứng minh gừng có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm bớt chứng viêm ruột mạn tính (IBD).
Cụ thể, một nghiên cứu vào năm 2019 đã điều tra tác động của việc bổ sung gừng hàng ngày đối với những người tham gia bị viêm loét đại tràng (một dạng viêm ruột mạn tính). Kết quả từ những người tham gia dùng thực phẩm bổ sung gừng cho thấy, các triệu chứng viêm được cải thiện và chất lượng cuộc sống cũng được tăng lên.
2.5. Trà bạc hà
Trong nhiều thế kỷ qua, bạc hà đã được sử dụng để hỗ trợ cải thiện các vấn đề sức khỏe về đường tiêu hóa. Bạc hà có tác động kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch. Tất cả những tác động này đều có thể giúp ích cho các rối loạn đường tiêu hóa trong đó có đau dạ dày. Ngoài ra bạc hà còn có thể giúp thư giãn các cơn co thắt cơ gây đau dọc theo đường ống tiêu hóa.
>> ĐỌC THÊM: Thần dược cho dạ dày và hệ tiêu hóa khỏe mạnh
2.6. Các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn
Các men vi sinh probiotic chứa nhiều lợi khuẩn đã được chứng minh là có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Bạn có thể bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể bằng cách dùng các chế phẩm chứa men vi sinh hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn tự nhiên.
Các chuyên gia thường khuyên nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn khi bạn vừa kết thúc một đợt dùng thuốc kháng sinh hoặc sau khi sử dụng các phương pháp y tế bổ sung cho các vấn đề tiêu hóa mãn tính.
Thực phẩm giàu lợi khuẩn có thể không phù hợp với những người đang bị đau bụng kèm theo nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu bạn không gặp phải hoặc sau khi đã xử lý ổn những vấn đề này thì hoàn toàn có thể sử dụng men vi sinh để bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa.
Một số thực phẩm giàu lợi khuẩn được khuyên dùng bao gồm:
- Sữa chua tự nhiên không đường
- Kefir: Đây là một thức uống lên men lactic nhờ vào vi khuẩn lactic vừa được lên men từ rượu, rất giàu enzyme và các vi khuẩn có lợi khác.
- Dưa cải bắp, tương miso, kombucha,…
3. Đau dạ dày và những điều cần lưu ý
3.1. Các dấu hiệu nguy cơ của đau dạ dày
Theo Nebraska Medicine, dù đau dạ dày là vấn đề tiêu hóa rất phổ biến trong xã hội hiện nay những vẫn không nên xem nhẹ tình trạng sức khỏe này. Bạn nên quan tâm các dấu hiệu cảnh báo cho thấy tình trạng đau dạ dày cần được xử lý y tế kịp thời bao gồm:
- Đau bụng mãn tính hoặc dữ dội gây khó khăn cho các hoạt động bình thường
- Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa bao gồm: nôn ra máu, đi ngoài ra máu,…
- Có dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt
- Ăn mất ngon
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Nôn dai dẳng
- Tiêu chảy nặng, liên tục kéo dài hơn hai ngày, tiêu chảy ban đêm khiến bạn không ngủ được.
>> ĐỌC THÊM: Bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả đến mức nào mà được áp dụng nhiều đến vậy?
3.2. Những lưu ý trong chế biến và ăn uống
Theo Nebraska Medicine, một số mẹo có thể áp dụng trong chế độ ăn cho người đau dạ dày giúp bạn tránh chứng khó tiêu hoặc đau bụng bao gồm:
- Ăn chậm và luôn đang nhai kỹ thức ăn để giảm áp lực công việc cho dạ dày.
- Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh việc dạy dày phải thực hiện một khối lượng công việc tiêu hóa quá lớn trong thời gian ngắn.
- Uống nhiều nước trong suốt cả ngày.
- Tránh các bữa ăn khuya hoặc đồ ăn nhẹ đặc biệt là đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ.
- Chế độ ăn uống cần bao gồm chất xơ hòa tan: cám yến mạch, lúa mạch, quả hạch và hạt các loại, các loại đậu,…
- Không ăn những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể ảnh hưởng đến độ co bóp của dạ dày từ đó có thể khởi phát cơn đau dạ dày.
- Không nên để bụng đói khiến dạ dày rỗng trong thời gian dài vì sẽ kích thích dạ dày tăng co bóp đồng thời niêm mạc dạ dày sẽ tăng tiết acid. Hai tác động đồng thời này sẽ khiến các vết viêm loét sẵn có trong dạ dày thêm nghiêm trọng, gây đau và có thể xuất huyết.
- Duy trì chế độ ăn uống nhạt lành mạnh, không sử dụng quá nhiều gia vị.
Kết luận
Hy vọng rằng những thông tin được cung cấp từ bài viết trên đã giúp bạn biết được cách xây dựng chế độ ăn cho người đau dạ dày giúp cải thiện tình trạng khó chịu của hệ tiêu hóa. Từ đó có thể chủ động hơn trong việc xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Nguồn tham khảo:
- Nebraska Medicine / What to eat with an upset stomach (plus 6 things to avoid)
- Women’s Health / 25 Of The Best Foods To Eat When You Have An Upset Stomach, According To Nutritionists
- Medical News Today / What are the best foods for an upset stomach?
- Health / Foods That Can Make Your Stomach Feel Better