Chế độ ăn nhiều rau và cá làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng
admin 18/08/2021
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu, trong đó có việc xem xét mối liên hệ giữa chế độ ăn uống với biến chứng của bệnh. Một nghiên cứu trong tạp chí Y khoa BMJ ở Anh đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều rau và cá làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Nghiên cứu tập trung vào lực lượng tuyến đầu có rủi ro mắc COVID-19 cao
Các nhà nghiên cứu của Tạp chí Y khoa BMJ ở Anh đã thực hiện khảo sát với 2.884 bác sĩ và y tá làm việc tại Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Gần 95% người tham gia là bác sĩ và 71,6% là nam giới. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020, bao gồm khoảng 100 câu hỏi xoay quanh tiền sử bệnh của người trả lời, các loại thuốc họ đang dùng, lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của họ, các loại thực phẩm họ yêu thích…
Theo cuộc khảo sát, 568 người trong cuộc khảo sát xuất hiện triệu chứng hoặc không có triệu chứng nhưng lại dương tính với COVID-19. Trong số 568 trường hợp đó, 138 bác sĩ nhiễm COVID-19 mức độ trung bình đến nặng, được xác định là có sốt, các triệu chứng hô hấp, suy hô hấp hoặc độ bão hòa oxy thấp; 430 người còn lại cho biết họ đã bị nhiễm COVID-19 từ rất nhẹ đến nhẹ, thậm chí là không xuất hiện triệu chứng gì. Không ai mắc COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
Xem thêm:
- Tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng – Vũ khí lợi hại chống lại Covid 19
- 10 loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng trong đợt dịch COVID-19
- Bật mí cho bạn 5 cách chăm sóc sức khỏe mùa dịch COVID-19
Ăn nhiều rau và cá làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng
Sau khi phân tích dữ liệu khảo sát, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn nhiều rau thì nguy cơ chuyển biến nặng COVID-19 sẽ từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng thấp hơn 73%. Sara Seidelmann, bác sĩ nội khoa tại Stamford Health cho biết: “Chúng tôi cũng phát hiện ra những người theo chế độ low-carb (ăn ít tinh bột, nhiều protein) có tỷ lệ biến chứng COVID-19 từ trung bình đến nghiêm trọng cao hơn so với những người chỉ ăn rau”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mặc dù có những loại thực phẩm tạo ra sự khác biệt trong việc ngăn ngừa, chống lại và phục hồi khi mắc các bệnh nhiễm trùng (bao gồm COVID-19), nhưng không có loại thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng nào có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi những bệnh này.
Các vi chất dinh dưỡng như Vitamin A, C và E làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp
Trái cây và rau củ có rất nhiều vi chất dinh dưỡng có đặc tính hỗ trợ miễn dịch. Chế độ ăn nhiều rau đặc biệt giàu các hợp chất như polyphenol và carotenoid. Các hợp chất này hỗ trợ sức khỏe theo một số cách, bao gồm việc tăng khả năng miễn dịch và giảm viêm tế bào có hại liên quan đến nhiễm trùng.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng vào tháng 11 năm 2018, những người có chế độ ăn nhiều rau, trái cây có xu hướng hấp thụ nhiều vitamin A, C, E và các khoáng chất bao gồm sắt, kali và magiê cũng như chất xơ.
Trong nhiều nghiên cứu trước đây, việc bổ sung vitamin A, C và E đã làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường và rút ngắn thời gian mắc các bệnh này. Những chất dinh dưỡng này hỗ trợ hệ thống miễn dịch vì chúng có thể giúp chống lại và tiêu diệt vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập.
Ngược lại, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng có liên quan đến rối loạn chức năng miễn dịch, sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng miễn dịch và có thể làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Chất béo tìm thấy trong cá có thể làm giảm viêm ở những người mắc COVID-19
Mặc dù chế độ ăn kiêng với các loại rau giúp cho nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp nhất, nhưng kết quả nghiên cứu của BMJ cũng đã chỉ ra rằng cá cung cấp một lượng lớn vitamin D, các axit béo omega-3 như EPA và DHA.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Physiology tháng 5 năm 2021, vitamin D làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 hoặc làm cho tình trạng nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn. Có một số bằng chứng chỉ ra rằng những người bị thiếu vitamin D có thể dễ bị nhiễm vi-rút hơn hoặc tiến triển đến các giai đoạn nặng hơn của bệnh. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nồng độ EPA và DHA (2 loại axit béo thuộc nhóm Omega-3) cao hơn có thể làm giảm tình trạng viêm nhiễm.
Một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng 1 năm 2019 trên Cơ sở dữ liệu Cochrane cho thấy những người mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính sử dụng các loại thực phẩm có nhiều axit béo omega-3 có thời gian nằm viện chăm sóc đặc biệt ngắn hơn và cần thở máy trong thời gian ngắn hơn.
Chất xơ có trong rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột
Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây sẽ giúp bạn nạp protein vào cơ thể ít hơn mà vẫn đảm bảo cơ thể không bị đói. Một số thực phẩm chứa protein có nguồn gốc từ động vật (trừ hải sản), như thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến chính là chất gây viêm.
Những người nạp protein chủ yếu từ thực vật như các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt cũng nhận được kết quả tích cực. Chất xơ hỗ trợ hệ vi sinh vật, hoặc mạng lưới vi khuẩn lành mạnh trong cơ thể bạn. Hệ vi sinh vật mạnh mẽ đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch.
Chế độ ăn nhiều rau, trái cây có thể bổ sung thêm nhiều vi khuẩn có lợi giúp cải thiện chức năng tế bào miễn dịch. Thực phẩm giàu chất xơ cũng cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như kẽm, selen và các khoáng chất khác mà cơ thể bạn cần để cải thiện hệ thống miễn dịch thông qua chức năng của tế bào bạch cầu.
Như vây, một chế độ ăn uống lành mạnh với chất xơ từ rau, các loại vitamin từ trái cây cũng như protein từ cá có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Để tìm hiểu thêm về các phương pháp chăm sóc sức khỏe chủ động, vui lòng xem thêm tại đây hoặc liên hệ với chúng tôi theo Hotline: 0966.000.643 để được hỗ trợ nhanh nhất!