Những thói quen dễ gây đột quỵ vào ngày lạnh cần tránh
admin 06/01/2021
Đối với nhiều người có tiền sử mắc bệnh huyết áp, tim mạch, mỡ máu,… nguy cơ mắc đột quỵ thường cao hơn, đặc biệt vào những ngày thời tiết lạnh tại Hà Nội những ngày qua.
Theo dự báo thời tiết, trong năm nay sẽ còn có nhiều đợt rét đậm, rét hại với diễn biến phức tạp ở Miền Bắc. Thời tiết giá rét cũng là nguyên nhân chính khiến số lượng bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ tăng đến 1,5 lần so với cùng kỳ những năm trước đó.
Bên cạnh đó, người Việt có một số thói quen rất dễ biến thành nguy cơ của đột quỵ. Vì vậy, để tránh những nguy cơ có thể mắc phải, bạn cần tránh những thói quen sau đây
Tập thể dục vào rạng sáng vào những hôm trời lạnh
Nhiều người có thói quen dậy tập thể dục sớm từ rạng sáng, thậm chí là trong những ngày thời tiết lạnh. Việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tới tim mạch, hô hấp, dễ gây đột quỵ. Nguy cơ tai biến còn gia tăng hơn ở những người mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, xơ vữa động mạch. Hơn nữa ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang tăng cao, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên đi tập thể dục vào sáng sớm.
Lời khuyên: Với các bác đã lớn tuổi, chỉ nên tập thể dục khi trời đã hừng sáng, và tập ở nơi có nhiều người qua lại để nhanh chóng phát hiện nếu có dấu hiệu đột quỵ.
Thói quen uống rượu
Hà Nội có văn hóa rượu ốc đặc trưng ở trên các quán vỉa hè ven đường. Vào các dịp lễ, tết hay đơn giản chỉ là một ngày trời lạnh, nhiều người cũng rủ nhau “làm một chén cho ấm bụng”. Tuy nhiên, đây cũng là một nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ ở người. Bởi khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại dẫn đến tăng huyết áp, tai biến đột quỵ và nguy cơ tử vong rất cao. Nhiều trường hợp mua phải rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ngộ độc, xuất huyết não thì cơ hội cứu chữa gần như bằng 0.
Lời khuyên: Không nên uống rượu vào thời tiết lạnh giá.
Ngồi bật dậy ngay khi vừa ngủ dây vào sáng sớm
Có một số người rèn luyện thói quen là sau khi báo thức là ngồi bật dậy ngay, nhằm tiết kiệm thời gian buổi sáng và rèn luyện tính kỷ luật. Tuy nhiên đây lại là một thói quen xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nguyên nhân là do huyết áp thường tăng dần trong vài tiếng trước khi thức dậy theo chu kỳ sinh học của con người, bật dậy ngay khiến huyết áp tăng đột ngột, từ đó sức ép lên các thành mạch cũng tăng lên, hình thành nên các cục máu đông gây tắc lòng mạch.
Lời khuyên: Tuân thủ nguyên tắc 2 – 2 – 1: Thức dậy và nằm trên giường trong 2 phút, ngồi dậy và ngồi trên giường 2 phút, sau đó hạ chân xuống giường trong 1 phút rồi mới đứng dậy. Tìm hiểu nhịp sinh học của cơ thể người để hiểu về cơ chế hoạt động của cơ thể
Đi ra ngoài hoặc mở cửa sổ khi thức dậy
Vào buổi sáng, nhiệt độ bên ngoài thường lạnh hơn rất nhiều so với chiếc giường ấm áp. Vì vậy việc đi ra ngoài hoặc mở cửa sổ ngay khi mới thức dậy cũng khiến bạn lập tức đối mặt với không khí lạnh. Tác hại của nó thì mình cũng vừa chia sẻ ở trên đây rồi đấy
Lời khuyên: Cũng áp dụng nguyên tắc 2 – 2 – 1 trước khi ra khỏi giường, nên để cơ thể quen dần với nhiệt độ phòng rồi mới đi ra ngoài.
Tắm đêm
Chắc bạn cũng đã đọc được rất nhiều chia sẻ về nguy cơ đột tử khi tắm đêm trên mạng xã hội. Nguyên nhân vì buổi đêm nhiệt độ xuống thấp nên vào thời điểm này cơ thể sẽ bị lạnh. Nhẹ thì bạn có thể mắc phải các triệu chứng đau đầu, đau tay chân, nặng thì đột quỵ
Lời khuyên: Bạn nên tắm trước 8h tối, trước khi tắm nên rửa chân bằng nước ấm, vận động cơ thể để làm nóng da khoảng 3 – 5 phút. Khi tắm thì từ từ đổ nước lên cơ thể để cơ thể thích nghi dần. Tuyệt đối tránh xả nước đột ngột từ trên đầu xuống vì cơ thể không kịp chuẩn bị, gây ra sự giãn nở đột ngột của các mạch máu
Thường xuyên thức khuya
Do tính chất công việc, hoặc do thói quen nên nhiều người thường xuyên thức khuya, dẫn đến các hormone trong mạch máu tiết ra chất adrenaline gây ra những bất thường trong mạch máu, là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: Người thường xuyên thức khuya, ngủ ít hơn 6h/đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4,5 lần so với người bình thường ngủ 8h/đêm.
Ngoài ra, ngủ quá ít dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe khác. Dễ thấy nhất là việc việc thiếu tỉnh táo và làm việc thiếu hiệu quả vào ngày hôm sau, hiệu ứng này có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần liền. Vì vậy, bạn nên rèn luyện thói quen ngủ đủ giấc một cách khoa học.
Lời khuyên: Tốt nhất bạn nên đi ngủ trước 11h, nếu buổi sáng có công việc phải dậy sớm thì buổi tối hôm trước nên đi ngủ sớm để đủ 8 tiếng