Sốt xuất huyết có bị lại không? Triệu chứng, biến chứng và biện pháp phòng ngừa
admin 03/04/2023
Việt Nam với khí hậu nóng ẩm đặc trưng chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để sốt xuất huyết phát triển. Sốt xuất huyết có bị lại không chính là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là khi mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi sắp đến. Cùng Trung tâm VMC tìm hiểu về dịch sốt xuất huyết để có thêm những kiến thức hữu ích giúp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe chủ động cho cả gia đình bạn nhé!
1. Sốt xuất huyết có bị lại không?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết xảy ra do virus lây lan sang người qua vết cắn của muỗi Aedes, nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ cao trở thành dịch.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus Dengue gây ra sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Theo Cục Y Tế Dự Phòng Việt Nam, ở Việt Nam hiện nay đã có cả 4 type huyết thanh này.
Người đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết và đã khỏi sẽ có khả năng miễn dịch lâu dài đối với chủng virus đã từng nhiễm. Tuy nhiên cơ thể vẫn sẽ không có khả năng miễn dịch với ba chủng virus còn lại. Điều này có nghĩa là trong tương lai bạn vẫn có thể bị sốt xuất huyết do nhiễm một trong ba loại virus còn lại. Cần lưu ý là, nguy cơ mắc sốt xuất huyết thể nặng sẽ tăng lên nếu bạn bị sốt xuất huyết lần thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư.
Do đó để trả lời cho câu hỏi “sốt xuất huyết có bị lại không?”, thì đáp án là có thể bị lại và một người sẽ có thể bị nhiễm virus sốt xuất huyết đến bốn lần trong đời.
2. Các con đường lây truyền sốt xuất huyết
Theo CDC Hoa Kỳ, virus sốt xuất huyết có thể lây truyền sang người qua các con đường:
2.1. Qua vết muỗi đốt
Con đường chính dẫn đến sốt xuất huyết là do virus sốt xuất huyết lây lan sang người qua vết đốt của loài muỗi Aedes đã nhiễm virus, cụ thể là chủng Ae. aegypti hoặc Ae. albopictus. Vết đốt của những loài muỗi này còn có thể mang theo cả virus Zika và virus Chikungunya.
Những loài muỗi này thường đẻ trứng gần nước đọng trong các vật chứa nước, chẳng hạn như xô chậu, bể chứa nước, ao tù nước đọng, bát đĩa cho ăn của vật nuôi, bụi rậm, chậu/bình hoa có chứa nước. Loài muỗi này thích đốt người và sống cả trong nhà lẫn ngoài trời và ở những nơi gần con người sinh sống. Muỗi lây truyền virus sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika có thể đốt người cả ngày lẫn đêm.
Muỗi sẽ bị nhiễm virus khi chúng đốt một người đã bị nhiễm virus trước đó. Sau đó chúng sẽ mang lọai virus này truyền sang những người khỏe mạnh khác qua vết đốt.
>> ĐỌC THÊM: Mẹo an toàn và hiệu quả giúp đánh bay các bệnh đường hô hấp vào mùa xuân
2.2. Từ mẹ sang con
Phụ nữ nhiễm sốt xuất huyết khi mang thai có thể truyền virus cho thai nhi trong khi mang thai hoặc trong quá trình sinh nở.
Thêm vào đó, tính đến nay đã có một báo cáo được ghi nhận về sốt xuất huyết lây lan từ mẹ sang con qua sữa mẹ. Tuy nhiên, vì tỉ lệ không lớn và những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ vẫn được khuyến khích cho con bú ngay cả ở những vùng có nguy cơ sốt xuất huyết cao.
>> ĐỌC THÊM: Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?
2.3. Thông qua tiếp xúc với máu người nhiễm, phòng thí nghiệm hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe bị nhiễm virus
Mặc dù đây là nguyên nhân khá hiếm gặp nhưng các báo cáo y khoa trên thế giới vẫn ghi nhận được các trường hợp virus sốt xuất huyết được lây truyền qua các hoạt động tiếp xúc với máu như truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc qua vết thương do kim đâm.
3. Triệu chứng, biến chứng và biện pháp phòng ngừa
3.1. Những triệu chứng của sốt xuất huyết
Theo Mayo Clinic (Hoa Kỳ), nhiều người sẽ không xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm sốt xuất huyết. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với dấu hiệu của chứng cúm và thường bắt đầu xuất hiện từ 4 đến 10 ngày sau khi bị đốt bởi muỗi đã nhiễm virus Dengue.
Sốt xuất huyết gây sốt cao lên đến khoảng 40 độ C và sẽ kèm theo một hoặc các triệu chứng bao gồm:
- Đau đầu
- Đau cơ, xương hoặc khớp
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau sau mắt
- Viêm các tuyến
- Phát ban
Một lưu ý cực kỳ quan trọng đó là tuyệt đối không cho người mắc sốt xuất huyết uống các loại thuốc gồm Aspirin, Analgin, Ibuprofe. Bởi những thuốc này có thể làm tình trạng trở nên nặng hơn do xuất huyết, hoặc toan máu và dẫn đến các hệ quả khó lường về sau.
>> ĐỌC THÊM: Nắm bắt: 5 dấu hiệu sắp khỏi sốt xuất huyết
3.2. Biến chứng của sốt xuất huyết
Thông thường hầu hết mọi người đều sẽ phục hồi trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Trong một số trường hợp, các triệu chứng xấu đi và có thể gây nguy hiểm. Đây được gọi là sốt xuất huyết thể nặng (Dengue hemorrhagic fever) hay còn gọi là hội chứng sốc sốt xuất huyết (Dengue shock syndrome).
Sốt xuất huyết thể nặng xảy ra khi các mạch máu bị tổn thương và rò rỉ. Đồng thời số lượng tế bào tiểu cầu chứa các yếu tố đông máu giảm đột ngột. Điều này có thể dẫn đến sốc, xuất huyết trong, suy nội tạng và thậm chí tử vong.
Theo CDC Hoa Kỳ, cứ 20 người bị sốt xuất huyết thì sẽ có 1 người bị tiến triển thành sốt xuất huyết thể nặng. Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai có nguy cơ tiến triển thành sốt xuất huyết thể nặng cao hơn.
Các dấu hiệu cảnh báo về sốt xuất huyết thể nặng nghiêm trọng thường bắt đầu vào một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi hết sốt. Đây là trường hợp khẩn cấp và có thể phát triển nhanh chóng với các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
- Đau bụng dữ dội
- Nôn liên tục (ít nhất 3 lần trong 24 giờ)
- Chảy máu từ nướu răng hoặc mũi
- Xuất hiện máu trong nước tiểu, phân hoặc dịch nôn
- Chảy máu dưới da, có thể trông giống như vết bầm tím
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Mệt mỏi, khó chịu, cáu kỉnh hoặc bồn chồn.
3.3. Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết
Dù hiện nay vaccine ngừa sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng ở một số khu vực trên thế giới. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh rằng vaccine không phải là một công cụ hiệu quả để giảm sốt xuất huyết ở những khu vực có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết phổ biến. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm virus sốt xuất huyết là tránh bị muỗi đốt và thực hiện các biện pháp để giảm số lượng muỗi.
Theo CDC Hoa Kỳ, việc loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi (giảm số lượng trứng, ấu trùng và nhộng) sẽ làm giảm số lượng muỗi trưởng thành mới xuất hiện và giúp giảm sự lây truyền sốt xuất huyết. Các biện pháp được khuyến cáo để làm giảm số lượng muỗi bao gồm:
- Định kỳ mỗi tuần một lần cọ rửa, lật úp, đậy nắp hoặc vứt bỏ các vật dụng chứa nước quanh nhà. Chẳng hạn như lốp xe, xô chậu trồng cây, đồ chơi, bể bơi, đậy kín bể chứa nước sinh hoạt, chậu hoa hoặc thùng rác. Thường xuyên dọn cỏ và các bụi rậm, nơi muỗi thường xuyên trú ẩn.
- Nên mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, đi tất và đi giày để che chắn cơ thể, hạn chế diện tích tiếp xúc với môi trường bên ngoài khi đi vào những khu vực có nhiều muỗi như bụi rậm để tránh bị muỗi đốt.
- Sử dụng thuốc ngừa muỗi hoặc thuốc chống côn trùng đã đăng ký với cơ quan chức năng và được cấp phép an toàn sử dụng trên người..
Kết luận
Mong rằng những thông tin được cung cấp từ bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc sốt xuất huyết có bị lại không. Đồng thời có thêm những kiến thức hữu ích giúp phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả, từ đó có thể chăm sóc sức khỏe chủ động cho bản thân và cả gia đình nhé!
Nguồn tham khảo:
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) / Dengue in Viet Nam
- Mayo Clinic (Hoa Kỳ) / Dengue fever
- Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) / Dengue
- Cục Y Tế Dự Phòng Việt Nam / Cảnh giác với biến chứng của sốt xuất huyết Dengue